Những ý nghĩa của Hoa Cúc mà không phải ai cũng biết
Hoa cúc xuất hiện từ rất lâu rồi, đến độ người ta có lẽ còn chẳng nhớ nguồn gốc của nó từ đâu.
Tương truyền, hoa cúc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Truyện kể, ngày xưa có một vị vua già nghe được ở đâu rằng, trên đảo Long Phi có một loại thảo dược giúp con người trường sinh, nhưng chỉ những chàng trai trẻ mới có thể tìm được. Vì thế, nhà vua liền cử 24 chàng trai đến đảo Long Phi kiếm tìm. Đến hòn đảo, các chàng trai thấy rằng đây chỉ là một hoang mạc và có duy nhất loài hoa cúc vàng tồn tại. Họ mang cúc vàng trở về và từ đó người dân đã truyền tai nhau về sự tích của chúng. Dần dần, cúc vàng được mọi người coi như biểu tượng của sự trường tồn. Ta có thể thấy, ngày nay trên một mặt đồng xu 1 nhân dân tệ của Trung Quốc có in hình hoa cúc là vì thế.
Ở Nhật, hoa cúc lại gắn với sự giàu sang, phú quý cùng với sự tích liên quan đến hai vị thần khai sáng trái đất trong tâm linh văn hóa Nhật Bản là ông Izanagi và bà Izanami. Từ lâu, chúng đã trở thành biểu tượng của đế vương. Vì vậy, ta dễ dàng thấy hình khắc hoa cúc chỉ xuất hiện trên con dấu của những gia tộc nổi tiếng, những gia đình quý tộc hay thân thích với Nhật Hoàng.
Và ở Việt Nam, hoa cúc cũng có sự tích vô cùng cảm động về lòng hiếu thảo. Chuyện kể rằng, ngày xưa có 2 mẹ con rất yêu thương nhau, nương tựa nhau sống qua ngày. Một hôm, người mẹ lâm bệnh nặng, người con đã đi tìm đủ cách mà không chạy chữa nổi. Cảm động trước tấm chân tình của người con, bụt đã hóa thân thành một cụ già, chỉ dẫn cho người con vào vừng tìm hái bông hoa thần có số cánh là số năm mà người mẹ có thể sống thêm được. Vượt qua bao khó khăn, cuối cùng người con cũng tìm được, nhưng trớ trêu thay, bông hoa lại chỉ có năm cánh. Quá đau lòng, người con đã xé tách những cánh hoa thành nhiều mảnh đến độ không thể đếm được nữa. Nhờ đó mà người mẹ đã khỏi bệnh và sống bên cạnh người con rất lâu. Từ câu chuyện này, hoa cúc đã trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt, đồng thời cũng biểu trưng cho lòng hiếu thuận của con người.
Về sau, hoa cúc còn xuất hiện trong bộ Tứ : “Mai – Cúc – Trúc – Tùng” – biểu trưng cho người quân tử trong Nho giáo. Cúc với đặc điểm “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (lá không rời cành, hoa không rơi xuống đất) tượng trưng cho khí tiết kiên trung của đấng anh hùng.
Ta vẫn thường nghe “mùa thu vàng hoa cúc”. Tuy nhiên, ngày nay hoa cúc xuất hiện không chỉ còn trong duy nhất mùa thu nữa. Hoa cúc cũng có màu sắc vô cùng đa dạng, mỗi một loại lại mang một ý nghĩa, thông điệp khác nhau.
– Cúc trắng mang ý nghĩa của sự chân thực, trong sáng và lòng cao thượng.
– Cúc vàng như mang một màu nắng lạ, đem lại niềm vui, sự hân hoan cũng như khiến người ta cảm thấy ấm lòng vì cảm giác được kính mến mà loài hoa này mang lại.
– Cúc tím mang màu của sự lưu luyến khi chia ly.
– Cúc tây là biểu tượng cho sự chín chắn cùng niềm tin về một tình yêu muôn màu.
– Cúc đại đóa mang trong mình ý nghĩa của niềm lạc quan, sự vui vẻ.
– Cúc vạn thọ với ý nghĩa của sự đau buồn, thất vọng.
– Cúc Ba Tư là biểu tượng của sự ngây thơ, trong trắng.
Ta dễ dàng thấy ít khi hoa cúc được đóng vai chính trong những bó hoa. Có lẽ chính bởi sự bình dị, gần gũi và thân thuộc của mình mà hoa cúc có thể hòa hợp với bất cứ loại hoa nào.Vì vậy hoa cúc thường được chọn để làm bè, trang trí cho những hoa khác. Và chính bởi nét mộc mạc mà giản đơn đó, bất kỳ ai gặp hoa cúc cũng dễ dàng phải lòng loài hoa mang cảm giác gần gũi này từ cái nhìn đầu tiên.
Trả lời